Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của các nước thành viên WTO 

Ngày 17/7/2020, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo số G/SPS/GEN/1758/Rev.3 của Ủy ban Vệ sinh thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (Ủy ban SPS) về Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của các nước thành viên WTO, gồm: Ác-hen-ti-na, Úc, Bê-li-xê, Bra-xin, Ca-na-đa, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cốt-đi-voa, Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na, Ê-cu-a-đo, Pa-ra-goay, Pê-ru, Xê-nê-gan, Xinh-ga-po, Hoa Kỳ, U-ru-goay và Việt Nam.

Văn phòng SPS Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung Tuyên bố chung Hội nghị như sau:

 

Thông báo số G/SPS/GEN/1758/Rev.3

17/7/2020

(Bản dịch không chính thức)

Ủy ban Vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật

TUYÊN BỐ CHUNG HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG LẦN THỨ 12
CỦA CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN WTO

VỀ VỆ SINH THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG, THỰC VẬT

ĐỆ TRÌNH BỞI CÁC QUỐC GIA ÁC-HEN-TI-NA, ÚC, BÊ-LI-XÊ, BRA-XIN, CA-NA-ĐA,
 CHI-LÊ, CÔ-LÔM-BI-A, CỐT-ĐI-VOA, CỘNG HÒA ĐÔ-MI-NI-CA-NA, Ê-CU-A-ĐO, PA-RA-GOAY, PÊ-RU, XÊ-NÊ-GAN, XINH-GA-PO, HOA KỲ, U-RU-GOAY VÀ VIỆT NAM

Sửa đổi

Nhận thông tin ngày 11/5/2020 và lưu hành theo yêu cầu của các đại biểu của Ác-hen-ti-na, Úc, Bê-li-xê, Bra-xin, Ca-na-đa, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cốt-đi-voa, Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na, Ê-cu-a-đo, Pa-ra-goay, Pê-ru, Xê-nê-gan, Xinh-ga-po, Hoa Kỳ, U-ru-goay và Việt Nam.

 

  1. Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của các nước thành viên WTO diễn ra cùng với Lễ kỷ niệm lần thứ 25 của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (Hiệp định SPS) – Kể từ khi áp dụng các biện pháp này, chúng ta đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức liên quan có thể tác động đến thương mại quốc tế.
  2. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Hiệp định SPS và các điều khoản đang áp dụng từ năm 1995 đến nay đang tiếp tục bảo vệ quyền lợi của các nước thành viên như một biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và thế giới động, thực vật.
  3. Việc thực thi đúng Hiệp định SPS giúp hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng nông thôn, thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt lưu ý những kết quả đóng góp của Hiệp định SPS là yêu cầu các nước thành viên phải minh bạch hóa các biện pháp SPS, những biện pháp dựa trên các nguyên tắc khoa học, chỉ áp dụng duy nhất và cần thiết cho việc bảo vệ sức khỏe con người và thế giới động, thực vật. Không duy trì biện pháp SPS khi không đủ bằng chứng khoa học và chưa đánh giá rủi ro.
  4. Chúng tôi nhận thấy rằng, Ủy ban SPS là một công cụ hữu hiệu để thực thi Hiệp định SPS, đặc biệt liên quan đến thúc đẩy minh bạch các biện pháp SPS thông qua việc tăng cường thông báo giữa các nước thành viên. Trong thời gian tới, Ủy ban SPS vẫn tiếp tục đảm nhiệm các công việc quan trọng và các nước thành viên cam kết tiếp tục nâng cao năng lực thực thi Hiệp định SPS.
  5. Chúng tôi tái khẳng định quyền và nghĩa vụ của các nước thành viên được thành lập bởi Hiệp định SPS và kêu gọi các nước thành viên tuân thủ chặt chẽ Hiệp định SPS để hỗ trợ thương mại quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo việc bảo vệ sức khỏe con người và thế giới động, thực vật.
  6. Các nước thành viên hiểu rằng, sự phát triển nông nghiệp toàn cầu đã đạt được kết quả nhất định kể từ khi Hiệp định SPS được phê chuẩn năm 1995, sự phát triển này đã mang lại rất nhiều cơ hội và thách thức cho thương mại quốc tế. Cụ thể như sau:
  • - Sự gia tăng dân số toàn cầu và dịch chuyển các sản phẩm nông nghiệp do thay đổi phân bố dân cư;
  • - Sự tăng cường đổi mới công nghệ;
  • - Sự thay đổi điều kiện thời tiết và áp lực của xã hội đối với sản xuất lương thực;
  • - Nâng tầm quan trọng của việc thực hành nông nghiệp bền vững;
  • - Những áp lực thay đổi do sự lan truyền của sâu bệnh, dịch bệnh, sinh vật mang mầm bệnh hoặc sinh vật gây bệnh;
  • - Các biện pháp SPS có thể bị lợi dụng tạo thành rào cản trá hình trong thương mại quốc tế.
  1. Do đó, Hội nghị Bộ trưởng quyết định: Ủy ban SPS sẽ tăng cường hơn nữa việc thực thi Hiệp định SPS nhằm quản lý tốt hơn các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế đối với thực phẩm, động vật và thực vật bằng cách thực hiện một chương trình làm việc dành cho tất cả các nước thành viên và các nhà quan sát, bao gồm: (1) những thách thức chung trong việc thực thi Thỏa thuận SPS và các quy định có liên quan; và (2) các tác động của áp lực mới đối với việc áp dụng Hiệp định SPS.
  2. Thông qua chương trình làm việc, Ủy ban SPS sẽ nghiên cứu các nội dung sau:
  • - Thúc đẩy bền vững sản xuất nông nghiệp và thương mại quốc tế, bao gồm tăng cường phê chuẩn sử dụng các biện pháp an toàn như đổi mới các sản phẩm bảo vệ thực vật và thuốc thú y bằng cách khuyến khích sử dụng các hướng dẫn và các tiêu chuẩn quốc tế, các khuyến nghị đã phát triển bởi các tổ chức quốc tế như: Codex, APPC, OIE; làm cơ sở hài hòa hóa các biện pháp SPS. Bao gồm giới hạn dư lượng tối đa thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người và thế giới động, thực vật.
  • - Hỗ trợ các biện pháp SPS dựa trên bằng chứng khoa học ngay cả khi các tiêu chuẩn, hướng dẫn quốc tế không phù hợp; và làm thế nào để các nước thành viên tận dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn cân nhắc về tính khoa học khi không chắc chắn trong phân tích rủi ro;
  • - Hỗ trợ an ninh lương thực, tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng an toàn hơn các công cụ và công nghệ tiên tiến (ví dụ: đổi mới nhân giống cây trồng để quản lý các loại sâu hại mới, như sâu keo mùa thu), bao gồm kiểm soát dựa trên đánh giá rủi ro, thanh tra…;
  • - Tăng cường an toàn thương mại quốc tế đối với thực phẩm, động vật, thực vật và các sản phẩm từ động, thực vật thông qua việc đáp ứng các biện pháp SPS  đối với điều kiện từng địa phương, bao gồm khu vực phi dịch bệnh và những vùng ít sâu hại hoặc dịch bệnh phổ biến mà các thành viên tăng cường khả năng bảo vệ con người, thế giới động vật và thực vật thông qua nỗ lực hạn chế sự lây lan sâu bệnh như: ruồi Địa Trung Hải, dịch bệnh tả  lợn Châu Phi, các sinh vật mang mầm bệnh, các sinh vật lây bệnh…;
  • - Khuyến khích sự hợp tác của các tổ chức bên ngoài để hỗ trợ cho Ủy ban SPS thông qua  trao đổi và hỗ trợ kỹ thuật;
  • - Tăng cường tham gia và hỗ trợ cần thiết cho những nước thành viên kém phát triển để thúc đẩy việc áp dụng biện pháp SPS, đặc biệt là tăng cường nhận thức do tác động của biện pháp SPS đối với khả năng xuất khẩu;
  • - Các thách thức khác có liên quan.
  1. Chương trình làm việc không bàn đến các nghĩa vụ mới và không sửa đổi Hiệp định SPS.

Ủy ban SPS sẽ gửi kết quả của chương trình làm việc, các báo cáo chính và các hoạt động đã thực hiện tới Hội nghị Bộ trưởng thứ 13 (nếu phù hợp).


CD639D07A53E4B7D966E234F936A40AA.pdf

Tin khác