Cảnh báo của EU đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong tháng 9 năm 2021 

Trong tháng 9 năm 2021, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được 02 cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm

 

 

Cụ thể như sau:

  1. Cảnh báo số 2021.4784 ngày 02/9/2021
  • Sản phẩm: Đùi ếch đông lạnh;
  • Biện pháp thực hiện: Pháp thu hồi sản phẩm trên thị trường; Thụy Sỹ tiêu hủy sản phẩm;
  • Lô hàng số: G2100406 đóng gói bởi Maison GrandJean tương ứng với lô hàng số MP00755 của nhà cung cấp (SABAROT);
  • Khối lượng: không xác định;
  • Mối nguy: do chứa chất cấm nitrofurans (furazolidone) mức dư lượng: 17 µg/kg - ppb;
  • Mức độ rủi ro: Nghiêm trọng.
  1. Cảnh báo số 2021.4761 ngày 06/9/2021
  • Sản phẩm: Bưởi;
  • Biện pháp thực hiện: Na Uy thu hồi sản phẩm trên thị trường;
  • Lô hàng số: 32/1;
  • Khối lượng: 7,1 kg;
  • Mối nguy: Do chứa chất cấm propargite 0,23 ppm và fenobucarb 0,032 ppm, mức dư lượng cho phép theo Chỉ thị số 91/414/EEC cho 2 chất trên ở mức 0,01 ppm;
  • Mức độ rủi ro: Không xác định.
  • Thông tin về các hoạt chất trên như sau:
  • Nitrofurans là một nhóm thuốc thường được sử dụng làm thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng vi sinh vật, thành phần cấu trúc xác định là một vòng furan với nhóm nitro. Theo quy định của EU số 37/2010 ngày 22/12/2009 hoạt chất Nitrofurans (bao gồm furazolidone) là chất cấm không được phép sử dụng, có mức dư lượng tối đa (MRLs) bằng không.
  • Propargite là thuốc trừ sâu thường được sử dụng để trừ nhện, theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép trên 10 thương phẩm. Theo quy định của EU số 2018/832 ngày 05/6/2018 ở mức dư lượng (MRLs) từ 0,01- 4 ppm tùy theo từng loại sản phẩm, riêng đối với cam quy định ở mức cao nhất 4 ppm.
  • Fenobucarb là thuốc trừ sâu thường được sử dụng để diệt rầy nâu, sâu quốn lá, đục thân..., theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép trên 60 thương phẩm. Theo quy định của chỉ thị số 91/414/EEC mức dư lượng tối đa trên sản phẩm này là 0,01 ppm.

Cũng trong tháng 9/2021 trên hệ thống Cảnh báo An toàn Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu (RASFF) có tổng số 386 cảnh báo đối với lô hàng của các quốc gia nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường EU vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, trong đó các vi phạm về ô nhiễm vi sinh vật: 84;  mức dư lượng thuốc BVTV: 72, độc tố nấm mốc: 30, dư lượng thuốc thú y: 5 và những vi phạm khác.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo không bị cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Đối với các sản phẩm thuỷ sản cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến;

Đối với các sản phẩm trái cây cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hoá chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói…


Tin khác