Cuộc họp trao đổi kỹ thuật về thực thi các cam kết SPS của Hiệp định EVFTA 

Ngày 25/3/2021, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về việc thực thi các cam kết SPS trong Hiệp định EVFTA, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ trì tổ chức cuộc họp giữa các Bên liên quan về các nội dung trong quá trình thực thi cam kết SPS của Hiệp định này. Mục đích của cuộc họp là nhằm giải đáp các thắc mắc của các nước thành viên EU về thủ tục nhập khẩu hàng nông sản vào Việt Nam, cũng như chia sẻ các thông tin cụ thể hơn về các khái niệm cam kết mới được đề cập trong các điều khoản của Chương 6 về SPS như khái niệm “Pre-listing”, “Single Entity” và “Regionalization”. Đến tham dự cuộc họp này có đại diện đến từ các Đại sứ quán các nước thành viên Liên minh Châu Âu, đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cùng đại diện các Cục, đơn vị chức năng và cơ quan chuyên môn thuộc Mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật SPS Việt Nam tại các Bộ, ngành.

 

 

Chủ trì cuộc họp, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đã thông tin cho các đại biểu về Kế hoạch thực hiện các cam kết trong Chương 6 về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch, động thực vật (SPS) của Hiệp định EVFTA nói trên theo Quyết định số 4866/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 01/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 3 nhóm chính: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Cam kết SPS trong Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; tăng cường quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của EU.

 

Các cam kết về Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm định động thực vật (SPS) tại Chương 6 của Hiệp định EVFTA được đánh giá là các cam kết rất sâu rộng và mới mẻ. Việt Nam và EU đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc về SPS nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật. Đầu mối quốc gia phía Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam, đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò điều phối việc thực thi các cam kết SPS giữa các Bộ, ngành có liên quan. Phía EU có đầu mối là Ủy ban Châu Âu, chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra/thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước thành viên nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong toàn thị trường EU.

 

Trong cuộc họp này, ông Carsten Schittek, Tham tán, Trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã chia sẻ mối quan tâm về việc thực hiện các cam kết này trong thực tế, những khó khăn và thách thức cũng như đánh giá cao sự hợp tác của phía Việt Nam trong việc hiện thực hóa các cam kết SPS của Hiệp định EVFTA.

Trong lộ trình thực hiện các cam kết SPS này, hai Bên đã trao đổi về nhiều khái niệm thực thi rất mới mẻ đối với Việt Nam, đặc biệt về các khái niệm Single Entity, Pre-listing và Regionalization là các vấn đề rất kỹ thuật và đòi hỏi sự tin tưởng giữa cơ quan Chính phủ của hai Bên. Bên cạnh đó, hai Bên cũng bày tỏ sự ủng hộ và nhấn mạnh tính cần thiết xây dựng một hệ thống database về yêu cầu, quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu liên quan đến SPS giữa hai Bên nhằm tăng cường tính minh bạch hóa thông tin, đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho thương mại hai chiều nhằm tận dụng tối đa mọi lợi ích mà Hiệp định này mang lại.

 

Một số thông tin về Kế hoạch của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA :

Thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Văn phòng SPS Việt Nam được chỉ định là đầu mối quốc gia trong việc thực thi các cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch thực hiện các cam kết trong Chương 6 về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch, động thực vật (SPS) của Hiệp định EVFTA nói trên theo Quyết định số 4866/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 01/12/2020.

Theo các cam kết tại Chương 6 của Hiệp định EVFTA, hai Bên sẽ thống nhất xây dựng Ủy ban các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật. Ủy ban SPS bao gồm đại diện các cơ quan chức năng của các Bên. Tất cả các quyết định của Ủy ban SPS sẽ dựa trên cơ sở đồng thuận. Ủy ban SPS có thể đề xuất lên Ủy ban Thương mại thành lập các nhóm công tác để xác định và xử lý các vấn đề kỹ thuật và khoa học phát sinh từ Chương này và tìm kiếm cơ hội để tăng cường hợp các về các vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật mà hai Bên cùng quan tâm. Ủy ban SPS có thể xử lý bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc thực thi hiệu quả Chương này, bao gồm tạo thuận lợi cho việc liên lạc và tăng cường hợp tác giữa các Bên. Cụ thể, Ủy ban sẽ có những chức năng và nhiệm vụ sau:

(a)   thiết lập các thủ tục hoặc sắp xếp cần thiết để thực hiện Chương này;

(b)   giám sát tiến độ thực hiện Chương này;

(c)    tạo một diễn đàn để thảo luận các vấn đề phát sinh từ việc áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật nhất định nhằm đạt được các giải pháp hai Bên có thể chấp nhận được và nhanh chóng xử lý bất kỳ vấn đề nào có thể tạo những trở ngại không cần thiết cho thương mại giữa các Bên;

(d)   là một diễn đàn trao đổi thông tin, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về các vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật;

(e)    xác định, khởi động và rà soát các dự án và hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giữa các Bên; và

(f)    bất cứ chức năng nào khác do các Bên cùng thống nhất.


Tin khác