Để trái cây Việt vươn xa: Hiểu tập quán của thị trường xuất khẩu là lợi thế 

Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo GlobalGAP hay EuroGAP… và đảm bảo nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần hiểu tập quán kinh doanh khi tiếp cận các thị trường nước ngoài.

(Trái cây Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản
nhưng tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này của thế giới từ Việt Nam chỉ chiếm 1%)

Trái cây Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng

 

Thời gian qua, trái cây Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản nhưng tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này của thế giới từ Việt Nam chỉ chiếm 1%.

Do đó, để mở rộng thị phần, cũng như bám chắc thị trường quốc tế, theo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết, vài năm trở lại đây, trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Hà Lan nhưng số lượng không nhiều. Các loại quả xuất khẩu thành công là thanh long, vải, nhãn và chanh dây.

Khi xuất khẩu sang Hà Lan, trái cây Việt Nam phải cạnh tranh với trái cây của các nước châu Á khác như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia và trái cây của Nam Mỹ (xoài, bơ, mít, chanh dây), đặc biệt các loại trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều do lợi thế vận chuyển (thường từ 8-10 ngày), nguồn cung ổn định và lợi thế về giá.

Theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, tại Hà Lan, trái cây Việt Nam nhập khẩu đa số phần phối tại các siêu thị châu Á do người gốc Trung Quốc, gốc Việt, Indonesia làm chủ hay các cửa hàng chuyên rau quả của người Thổ, Ấn Độ hay Pakistan.

Trong khi đó, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu trái cây và các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, nhưng phần lớn vẫn còn chiếm thị phần khiêm tốn trên thị trường Nga.

Ông Dương Hoàng Minh nhận định, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng trái cây của Việt Nam sang Nga có tăng trưởng mạnh kể từ khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, nhưng còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong nhập khẩu các mặt hàng này của Nga.

Qua trao đổi với các doanh nghiệp nhập khẩu, những nguyên nhân chủ yếu làm trái cây Việt Nam chưa cạnh tranh cao trên thị trường nước ngoài gồm chất lượng, kích cỡ trái cây chưa đồng đều, khó có thể thu mua được với khối lượng lớn; công nghệ bảo quản sau thu hái chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu, tiêu thụ tại thị trường; chi phí vận tải cao; diện mặt hàng chưa đa dạng và chủ yếu ở dạng tươi, sấy, dạng nước chưa có nhiều.

Giải pháp để trái cây Việt vươn xa

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh chia sẻ, người Anh không mua trái cây trực tiếp từ Việt Nam, vì người Anh không muốn kinh doanh với người lạ, họ chấp nhận mua hàng Việt Nam qua Hà Lan, Pháp, hay Đức, Séc, nhằm giảm rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng.

Bởi thế, doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng trực tiếp thì phải giành được niềm tin của người Anh giống như người Thái Lan, Singapore giành được niềm tin của Anh.

 

(Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo GlobalGAP hay EuroGAP,
các doanh nghiệp cần hiểu tập quán kinh doanh khi tiếp cận các thị trường nước ngoài)

 

Bà Võ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo, để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường Hà Lan và người châu Âu thực sự là quá trình lâu dài. Các hợp tác xã đòi hỏi sự đầu tư lớn từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần) và quan trọng mà các nhà nhập khẩu Hà Lan yêu cầu là nguồn cung ổn định (trừ các loại theo mùa vụ như vải, nhãn).

Việc truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm rất quan trọng, nhất là người Hà Lan chính gốc, để dần dần thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng.

Đặc biệt, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo GlobalGAP hay EuroGAP,… và đảm bảo nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm, hiểu tập quán kinh doanh cũng là yếu tố quan trọng khi tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng diện mặt hàng trái cây từ Việt Nam sang Nga, Thương vụ Việt Nam tại Nga khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan/tham gia các triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại Liên bang Nga, đặc biệt là World Food Moscow (tháng Chín hàng năm), Prodexpo (tháng hai hàng năm)… để nắm tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ trái cây và sản phẩm trái cây… của người dân Nga, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp đã thành công trong thâm nhập thị trường Nga thông qua việc tham dự các hội chợ/triển lãm như hạt điều, đồ uống, xoài sấy, cà phê…

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Nga cũng khuyến cáo, Nhà nước cần có chính sách khuyển khích để các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo trái cây có kích cỡ, màu sắc tương đồng, chất lượng đồng đều; đầu tư vào khâu kỹ thuật đóng gói, công nghệ bảo quản sau thu hoạch từ thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ để đảm bảo chất lượng trong cả chuỗi cung ứng, để trái cây Việt có thể giữ được chất lượng lâu hơn.

Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/


Tin khác