Dự thảo quy định về SPS của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 3/2024  

Từ ngày 21/02 - 20/3/2024, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổng hợp được 84 thông báo của các nước thành viên WTO, trong đó bao gồm 58 dự thảo và 26 văn bản qui phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (danh sách thông báo nội dung kèm theo).

 

Một số thông tin cần lưu ý như sau:

- Thị trường EU có các thông báo: (1) Phụ gia thức ăn chăn nuôi, (2) Thiết lập mức dư lượng tối đa đối (MRL) với niken trong các loại hạt cây, rau, rong biển, đậu, hạt có dầu, ngũ cốc, ca cao và các sản phẩm sô cô la, thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nước ép trái cây và rau quả, (3) Sửa đổi các điều kiện sử dụng các chất phụ gia thực phẩm được cấp phép axit tartaric (E 334), natri tartrat (E 335), kali tartrat (E 336), natri kali tartrat (E 337), canxi tartrat (E 354) và zinc (II) - betaine, (4) EU sẽ rút giấy phép đối với các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất acibenzolar-S-methyl, (5) Dự thảo quy định phê duyệt hoạt chất metconazole được gia hạn theo Quy định (EC) số 1107/2009, (6) Thông báo có hiệu lực về Quy định (EU) số 37/2010 liên quan đến việc phân loại chất natri salicylate liên quan đến giới hạn dư lượng tối đa (MRL) trong thực phẩm có nguồn gốc động vật;

- Thị trường Bra-xin có các thông báo: (1) Thiết lập các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc nhập khẩu hạt hướng dương (Helianthus annuus) (2) Tham vấn cộng đồng, các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc nhập khẩu vật liệu nhân giống (loại 4) của cây hoa hướng dương (Helianthus spp.);

- Thị trường Vương quốc Anh thông báo mức giới hạn dư lượng tối đa GB mới cho prothioconazole sửa đổi đăng ký theo Luật GB MRL;

- Thị trường Hoa Kỳ có các thông đề xuất mức dư lượng indoxacarb trong hoặc trên các mặt hàng nông sản trong đó bao gồm cà phê, đậu xanh mức 0,03 ppm; phân nhóm hạt bông 20C ở mức 2 ppm...;

- Thị trường Úc có các thông báo: (1) Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc đã hoàn thành phân tích rủi ro nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận thị trường cho chanh dây tươi (Passiflora edulis) từ Việt Nam nhập khẩu vào Úc. Báo cáo cuối cùng khuyến nghị nên cho phép nhập khẩu chanh dây tươi từ Việt Nam vào Úc với điều kiện áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật, như đã nêu trong báo cáo cuối cùng về các loài ve nhện (false spider mite), ruồi đục quả (fruit flies), rệp sáp (mealybug), rệp vảy (scale insects) và bị trĩ (thrips) là những mối lo ngại về an toàn sinh học đối với Úc. Báo cáo dự thảo về phân tích rủi ro này đã được công bố trên trang web của Bộ vào ngày 13 tháng 7 năm 2023 trong thời gian tham vấn các bên liên quan kéo dài 60 ngày và được thông báo trong G/SPS/N/AUS/570. Báo cáo cuối cùng hoàn chỉnh có sẵn bằng tiếng Anh trên trang web của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Chính phủ Úc tại: www.agriculture.gov.au/ biosecurity-trade/policy/risk-analysis/plant/passionfruit-from-vietnam; (2) Đề xuất sửa đổi Bộ Tiêu chuẩn Thực phẩm code của Úc và Niu Di-lân điều chỉnh các giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với các hóa chất nông nghiệp và thú y bao gồm ametoctradin, cypermethrin, ethephon, fluxapyroxad, ipflufenoquin, mefentrifluconazole, metalaxyl và pyraclostrobin trong các mặt hàng thực vật; bupivacain và lignocain trong một số mặt hàng có nguồn gốc động vật;

- Thị trường Pháp thông báo về tạm ngừng việc đưa ra thị trường tiêu dùng các loại hoa quả và rau củ tươi gây tiếp xúc với hoạt chất thiacloprid; Về hoạt chất thiacloprid trong nhóm thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam với 4 thương phẩm nhằm điều trị rệp muội/cà phê, đậu tương; sâu cuốn lá, bọ trĩ, bọ xít hôi, rầy nâu/ lúa;

- Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ thông báo “Cấm áp dụng khử trùng bằng Methyl Bromide đối với các sản phẩm tạm nhập tái xuất” kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024;

- Thị trường Hàn Quốc: (1) sửa đổi được đề xuất trong “Đạo luật kiểm soát dịch bệnh sinh vật dưới nước”, (2)  Đề xuất sửa đổi "Tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật cho dụng cụ, hộp đựng và bao bì thực phẩm";

- Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) dự thảo Tiêu chuẩn vệ sinh đối với chất tẩy rửa thực phẩm;

- Thị trường Ma Cao (Trung Quốc) dự thảo Quy định hành chính số 5/2024 về tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm trong thực phẩm, hướng dẫn và quy định việc sử dụng phụ gia thực phẩm cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

- Thị trường Nhật Bản sửa đổi danh sách quản lý các sinh vật sống theo Đạo luật về các loài ngoại lai xâm lấn,Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Quý Cơ quan nghiên cứu và thông báo cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm xuất khẩu liên quan đến các mặt hàng và thị trường nêu trên để có điều chỉnh phù hợp.

Thông tin góp ý đối với các thông báo dự thảo của Thành viên WTO (nếu có) gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Văn phòng SPS Việt Nam) trước (05 ngày) thời hạn nhận góp ý của thông báo, địa chỉ: số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024 37344764; email: spsvietnam@mard.gov.vn.


7F83E5BD7AB14CECB1696FA8597C7D88.docx

Tin khác