Từ ngày 21/3 - 20/4/2024, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổng hợp được 104 thông báo của các nước thành viên WTO, trong đó bao gồm 68 dự thảo và 36 văn bản qui phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (danh sách thông báo nội dung kèm theo).
Một số thông tin cần lưu ý như sau:
- Thị trường EU có các thông báo: (1) Về quy định các chất làm phụ gia thức ăn chăn nuôi, (2) Sửa đổi Quy định (EC) số 2023/2006 về thực hành sản xuất tốt đối với các vật liệu và vật phẩm tiếp xúc với thực phẩm liên quan đến nhựa tái chế, kiểm soát chất lượng, sản xuất vật liệu nhựa và các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm; (3) Sửa đổi Quy định (EU) 2015/2283 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về thực phẩm mới liên quan đến vật liệu nano; (4) Sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2017/2470 liên quan đến các thông số kỹ thuật của galacto-oligosacarit, nhựa hữu cơ dầu giàu oleoresin từ vi tảo lục Haematococcus pluvialis; (5) Thiết lập mức dư lượng tối đa (MRL) deoxynivalenol trong thực phẩm; (6) Các yêu cầu vệ sinh cụ thể đối với một số loại thịt, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa và trứng; (7) Sửa đổi Quy định (EU) 2023/915 về mức dư lượng tối đa của độc tố T-2 và HT-2 trong thực phẩm; (8) Sửa đổi Phụ lục II của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng về mức dư lượng tối đa đối với 2,4-DB, iodosulfuron-methyl, mesotrione, pyraflufen-ethyl và bifenazate;
- Thị trường Bra-xin có các thông báo: (1) Dự thảo nghị quyết đề xuất đưa một số hoạt chất vào danh sách chuyên khảo về các thành phần hoạt chất cho thuốc bảo vệ thực vật; (2) Cập nhật yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc nhập khẩu hạt dưa (Cucumis melo), hạt ớt (Capsicum frutescens) từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam;
- Thị trường Vương quốc Anh đề xuất mức dư lượng tối đa mới GB (MRL) cho imazethapyr, ethofumesate, fosetyl-AI sửa đổi đăng ký MRL;
- Thị trường Hoa Kỳ: (1) Thông báo của Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã nhận được kiến nghị về thiết lập hoặc sửa đổi các quy định về một số hoặt chất thuốc bảo vệ thực vật; (2) Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) Sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục thông báo trước khi đưa ra thị trường đối với chất tiếp xúc với thực phẩm (FCN). Quy tắc này có hiệu lực từ ngày 21/5/2024;
- Thị trường Úc: Thông báo của Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp Chính phủ Úc công bố Đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với môi trường vi sinh đã khử nước và khử trùng trước;
- Thị trường Trung Quốc: Dự thảo thiết lập tiêu chuẩn 138 giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với 55 loại thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm 2,4-D-ethylhexyl, v.v. đối với thực phẩm;
- Thị trường Đài Loan (Trung Quốc): (1) Dự thảo Bổ sung danh mục tiêu chuẩn xác định lượng tồn dư trong thuốc thú y; (2) Thuốc nhuộm Sudan được phát hiện trong nhiều lô bột ớt nhập khẩu tại khâu kiểm tra biên giới hoặc kiểm tra tại điểm bán hàng từ năm 2023 đến năm 2024 có nguồn gốc từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) đề xuất yêu cầu kiểm tra nhập khẩu, cụ thể: sản phẩm có mã CCC0904.22.00.00-1 (Quả thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta, được nghiền nát hoặc xay) và 20904.21.90.00-3 (Các loại quả khác thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta ở dạng khô, chưa nghiền nát hoặc chưa xay) phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan. Báo cáo thử nghiệm gồm Sudan I-IV kèm theo: ghi chú phương pháp thử, giới hạn định lượng (LOQ), đơn vị thử nghiệm….
- Thị trường Mê-hi-cô: Thông báo sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối việc việc nhập khẩu hạt cà phê Arabica (Coffea arabica) và Robusta (Coffea canephora) được sử dụng trong công nghiệp, có nguồn gốc từ một số quốc gia trong đó có Việt Nam. Kết quả này được Cơ quan Dịch vụ Chất lượng, An toàn và Sức khỏe Nông nghiệp Thực phẩm Quốc gia của Mê-hi-cô (SENASICA) xác định dựa trên kết quả đánh giá lại nguy cơ dịch hại: (1) Gỡ bỏ 02 biện pháp kiểm dịch thực vật bao gồm: (i) Yêu cầu sản phẩm nhập khẩu theo thủ tục lưu giữ, giám sát và chịu trách nhiệm; (ii) Yêu cầu chẩn đoán kiểm dịch thực vật đối với nấm, vi khuẩn và cỏ dại. (2) Hạt cà phê sẽ được giữ lại tại điểm nhập cảnh vào Mê-hi-cô cho đến khi nhận được báo cáo về dịch hại: (i) Nếu kết quả chẩn đoán là dương tính, nhà nhập khẩu có thể chọn trả lại nơi xuất khẩu hoặc tiêu hủy; (ii) Nếu phát hiện côn trùng sống trong quá trình kiểm tra, sẽ áp dụng biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật bằng methyl bromide T302 (d1).
- Thị trường Trung Đông bao gồm Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Vương quốc Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Vương quốc Ả Rập Xê Út, Yemen: Dự thảo các yêu cầu quy định kỹ thuật liên quan đến lấy mẫu; phương pháp kiểm tra và thử nghiệm, đóng gói, vận chuyển, bảo quản và ghi nhãn đối với hạt cà phê rang nguyên hạt và xay bằng cách rang hạt cà phê thuộc giống (Coffea), không bao gồm cà phê rang xay được thêm bất kỳ chất phụ gia nào khác và cà phê hòa tan.
Thông tin góp ý đối với các thông báo dự thảo của Thành viên WTO (nếu có) gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Văn phòng SPS Việt Nam) trước (05 ngày) thời hạn nhận góp ý của thông báo, địa chỉ: số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024 37344764; email: spsvietnam@mard.gov.vn.