EU liên tiếp cảnh báo hàng Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến nghị thay đổi tư duy 

Không chỉ với vấn đề an toàn thực phẩm với những cảnh báo, Bộ trưởng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị cho một bước thay đổi lớn trong tư duy và xu thế tiêu dùng của thế giới...

Theo dữ liệu thống kê, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; riêng nhóm nông sản chính đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%. Trong khó khăn ngành nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò trụ đỡ nền kinh tế.

Song, kết quả đó chưa trọn vẹn, bởi còn nhiều vấn đề đặt ra. Có thể nhìn từ những cảnh báo liên tiếp gần đây của EU.

 

“KHÔNG PHẢI ĐI TỪ ĐỒNG RUỘNG ĐẾN BÀN ĂN CỦA NHÀ MÌNH MÀ LÀ BÀN ĂN CỦA THẾ GIỚI”

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, đối với xuất khẩu nông sản và thủy sản, vấn đề là doanh nghiệp cần phải xác định thị trường xuất khẩu của Việt Nam cần mua gì, và khi thị trường mở ra sẽ đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP) hết sức là khắt khe.

Do vậy, vấn đề của sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay “không phải đi từ đồng ruộng đến bàn ăn của nhà mình mà là bàn ăn của thế giới”.

Xu thế của thị trường là luôn biến động và liên tục xảy ra, khi thị trường mở ra thì Việt Nam không thể cứ ‘nay đóng mai mở’, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng của thế giới ngày nay không giống như các doanh nghiệp nghĩ, nghĩa là ‘bán cái chúng ta có’ mà phải ‘bán theo xu thế tiêu dùng của thế giới’.

Do vậy, vấn đề của ngành nông nghiệp hiện nay là phải cơ cấu lại cho thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự chuyển biến xu hướng của người tiêu dùng toàn cầu.

“Trong khi chúng ta vẫn đang loay hoay giải cứu và làm sao bán được nhiều nông sản thì xu hướng của thế giới là tiêu dùng xanh, nhất là đối với thị trường EU, không chỉ là ATTP nữa mà còn đòi hỏi những yếu tố như cân bằng carbon - khái niệm này doanh nghiệp Việt Nam chưa từng tiếp cận.

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị cho một bước thay đổi lớn trong tư duy và xu thế tiêu dùng của thế giới. Đó chính là điều đầu tiên để xuất khẩu hàng nông sản thủy sản thành công”, ông Hoan nhấn mạnh.

Dự báo, về thị trường xuất khẩu trong quý 4, ông Hoan cho rằng các tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu nông sản rất thuận lợi, vì đây là giai đoạn các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng để phục vụ mùa mua sắm cuối năm như Noel và Tết dương lịch của các nước phương Tây, và Tết cổ truyền của Trung Quốc - là những thị trường lớn của Việt Nam.

“Bộ  NN-PTNT đang bám sát để làm sau cố gắng trong ngắn hạn từ đây đến cuối năm xuất khẩu nông sản đạt được kết quả cao nhất”, ông Hoan cho biết. 

Mặc dù có những dự báo lạc quan về thị trường xuất khẩu, cùng những nhắc nhở về tiêu chuẩn ATTP và xu hướng tiêu dùng toàn cầu của ngành chức năng chức năng, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn bị vướng các vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong một số mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu.

 

EU LIÊN TIẾP CẢNH BÁO HÀNG NÔNG, THỦY SẢN VIỆT NAM

Mới đây, một số nước thành viên EU đã lên tiếng cảnh báo về nông sản, thủy sản xuất khẩu vào khối này có dư lượng hóa chất vượt quá mức quy định.

Ngày 18/10, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được 02 công văn của Bộ Công Thương về việc nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định của EU.

Một là, Công văn số 6195/BCT-AM ngày 6/10/2021 về việc thu hồi 01 lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ có nội dung: Sau khi xuất khẩu lô hàng gạo thơm cao cấp ST25 nhãn hiệu Nữ hoàng vào Bỉ, doanh nghiệp nhập khẩu là Vinamex Group đã tự tiến hành kiểm tra chất lượng lô gạo theo tham vấn của Cơ quan liên bang về an toàn chuỗi thực phẩm của Bỉ (FASFC).

Kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng có mức dư lượng thuốc BVTV tricyclazole là 0,017 mg/kg, theo quy định của EU mức dư lượng tối đa cho phép là 0,01 mg/kg. Do vậy, Vinamex Group đã chủ động đăng thông báo thu hồi và yêu cầu khách hàng không tiêu thụ lô sản phẩm này và chuyển về kho để được hoàn tiền.

Hai là, Công văn số 6353/BCT-AM ngày 12/10/2021 đưa ra cảnh báo về dư lượng các chất có hại trong một số nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. 

Cụ thể, Cơ quan y tế Hà Lan phát hiện hóa chất chlorpyrifos ethyl trong lô hàng mướp đắng của Công ty TNHH SAKA SAKA xuất khẩu sang thị trường EU; Cơ quan y tế Italy phát hiện chất sulphite không khai báo đối với lô hàng động vật giáp xác và hải sản xuất khẩu của Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu; Cơ quan y tế Tây Ban Nha phát hiện chất cấm Profenofos (ngoài chất chlorpyrifos ethyl) cũng của Công ty TNHH SAKA SAKA;

Trước đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được hai cảnh báo về ATTP và thức ăn chăn nuôi của EU đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về ATTP.

Theo đó, Cơ quan y tế Na Uy và Pháp phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập khẩu từ Việt Nam.

Cũng theo thông báo của Bộ Công Thương, Bộ Y tế Tây Ban Nha, các cơ quan hữu quan tại các cửa khẩu EU đều đã được thông báo và sẽ nâng cao các biện pháp kiểm dịch đối với các dòng hàng hóa liên quan nhập khẩu từ Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt hiệp định EVFTA và CPTPP, góp phần tháo dỡ rào cản mở ra nhiều thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên toàn cầu. Bên cạnh mở cửa thị trường thì Việt Nam phải thực hiện các cam kết về kiểm dịch động thực vật với mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận doanh nghiệp, người sản xuất chưa chú trọng đúng mức nên thường vướng phải các cảnh báo vi phạm các tiêu chuẩn an toàn chất lượng, và yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường, thậm chí bị trả lại hàng hóa làm ảnh hưởng uy tín nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/


Tin khác