Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, hiện các thị trường liên tục có những quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm mới, các đơn vị chuyên môn của Bộ, trong đó có Văn phòng SPS Việt Nam phải nghiên cứu, từ đó tham mưu giải pháp giúp người dân, doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu này, khơi thông thị trường.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam giao Văn phòng SPS Việt Nam chủ trì giao ban 3 tháng 1 lần giữa các cục, vụ của Bộ để đánh giá các tác động của những quy định mới, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ, thích ứng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Văn phòng SPS Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã đánh giá rất cao hoạt động của Văn phòng.
"Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, là điểm sáng của cả nước, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 53 tỷ USD. Đây là cố gắng lớn trong khó khăn, có vai trò quan trọng của các cơ quan "gác rào cản" của Bộ, cơ quan kiểm dịch, trong đó có Văn phòng SPS Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu, thông báo các quy định mới về kiểm dịch, an toàn thực phẩm mà các thị trường đặt ra", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, năm 2023, nguồn cung dồi dào, cầu giảm, trong khi các đoàn thanh tra, kiểm tra của EU, Mỹ, Hàn Quốc liên tục vào Việt Nam. Tháng 6 đón đoàn kiểm tra của EU, tháng 8 là đoàn kiểm tra của Mỹ, tháng 10 là đoàn kiểm tra của Hàn Quốc, chưa kể các cơ quan kiểm dịch của Trung Quốc họp trực tuyến liên tục kiểm tra an toàn thực phẩm. Nhìn chung tất cả các đoàn đánh giá hệ thống an toàn thực phẩm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang các nước.
"Khi tôi báo cáo vấn đề này với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng rất mừng, trong thành tích này của Bộ NNPTNT có vai trò quan trọng của Văn phòng SPS Việt Nam", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, Văn phòng SPS Việt Nam đã góp phần quan trọng, kịp thời giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023.
Đối với các nhiệm vụ trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục phát huy chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đơn vị trong Bộ, ngoài Bộ NNPTNT để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, giúp người dân, doanh nghiệp đáp ứng kịp thời các quy định mới của thị trường nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các thị trường ngày càng tăng cường các quy định về kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm, trong đó có những quy định rất mới, ví dụ như quy định mới của Trung Quốc liên quan đến nhập khẩu tôm hùm bông gắn với bảo vệ động vật hoang dã hay vấn đề giảm phát thải, châu Âu đã chính thức có quy định các vật tư nông nghiệp không có chứng nhận giảm phát thải là không vào được châu Âu; vấn đề dinh dưỡng, trách nhiệm xã hội trong từng sản phẩm cũng được quy định.
"Văn phòng SPS Việt Nam phải phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y,... tham mưu với Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các quy định này như thế nào. Khi đàm phán mở cửa thị trường cho bất cứ sản phẩm nào cũng cần có cái nhìn tổng thể. Văn phòng SPS Việt Nam giống như một người tổng quản, giữ vai trò điều phối, đồng thời cảm nhận được Việt Nam đang cần cái gì, thiếu cái gì, từ đó đưa ra những đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ NNPTNT", Thứ trưởng Trần Thanh Nam phân tích.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Văn phòng SPS Việt Nam chủ trì giao ban 3 tháng 1 lần giữa các cục, vụ của Bộ để đánh giá các tác động của những quy định mới, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ, thích ứng.
Báo cáo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa cho biết, năm 2023, Văn phòng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về đầu mối thông báo và hỏi đáp các quy định SPS; tổ chức thiết lập và duy trì mạng lưới thông tin quốc gia SPS giữa các thành viên WTO; hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm về SPS cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, Văn phòng chủ trì 8 phiên đàm phán chương SPS và họp kỹ thuật về nâng cấp Hiệp định ASEAN - Trung Quốc; chủ trì 6 phiên đàm phán chương SPS về nâng cấp Hiệp định ASEAN - Canada. Ngoài ra, Văn phòng còn tổ chức nhiều buổi họp song phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, các sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam sang Trung Quốc; tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm mì ăn liền, giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với một số rau gia vị và thanh long.
Các thị trường trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục có xu thế thay đổi gia tăng các biện pháp SPS như thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc BVTV (MRL), dư lượng kháng sinh, vật liệu tiếp xúc thực phẩm, ô nhiễm vi sinh vật...
Do đó, ông Hòa đề nghị các cơ quan trong mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan khoa học, hiệp hội ngành hàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Văn phòng SPS Việt Nam để góp ý về những quy định của thị trường, cập nhật thông tin cho các bên liên quan và khuyến nghị các giải pháp thích ứng.
Nguồn: https://danviet.vn/