Nắm vững yêu cầu về an toàn thực phẩm để thúc đẩy thương mại nông sản vào RCEP 

Ngày 7/6, tại Lạng Sơn, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) tổ chức hội nghị Phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong Hiệp định RCEP (ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia-New Zealand).

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, nội dung chính của các hội nghị là cập nhật thông tin về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định RCEP.

Đồng thời, nêu rõ những quy định cụ thể của thị trường nhập khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc động thực vật, sản phẩm thủy sản, sản phẩm chế biến; quy định về ghi nhãn, bao gói nông sản của thị trường và các vấn đề cần lưu ý liên quan tới tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: EVFTA, RCEP; trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi, bởi vậy, việc tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật từ các nước nhập khẩu là yêu cầu bắt buộc.

Nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân không nắm vững các yêu cầu an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, nếu trong sản phẩm không may còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép hoặc trên trái cây còn các đối tượng kiểm dịch lập tức sẽ bị nước nhập khẩu đưa ra cảnh báo hoặc thu hồi, thậm chí tiêu hủy, trả hàng…, ông Nam lưu ý.

Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 6 cửa khẩu phụ - là "cửa ngõ" để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Những năm qua, địa phương luôn cố gắng thực hiện các giải pháp để hoạt động xuất khẩu nông sản qua địa bàn tỉnh được thuận lợi nhất.

Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản, việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật là rất quan trọng, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của nước nhập nhẩu, ông Chiều nhấn mạnh.

Ông Nam lưu ý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động tiếp cận với những thông tin thay đổi quy định SPS của thị trường nhập khẩu, đồng thời nêu ý kiến đóng góp vào các thông báo mà Văn phòng SPS Việt Nam đăng tải trên cổng thông tin điện tử và phương tiện thông tin truyền thông.

Tại hội nghị, bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng thông tin về quy định về ghi nhãn, bao gói nông sản của các thị trường. Bà cũng khuyến cáo doanh nghiệp chú trọng việc tuân thủ bao bì, nhãn mác, đóng gói sản phẩm, bởi đây là ấn tượng ban đầu với khách hàng, nhất là tại thị trường quốc tế.

Ông Lý Hải Long, đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Nano BSB chia sẻ, khi nắm được các quy định SPS, mỗi bên sẽ chủ động thực hiện một cách có trách nhiệm vai trò của mình trong chuỗi giá trị.

Từ năm 2022, Văn phòng SPS Việt Nam liên tục tổ chức các chuỗi hội nghị tại nhiều địa phương trên cả nước. Thông qua chương trình, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có cơ hội được giải đáp những thắc mắc liên quan tới quy định SPS trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Nguồn: https://bnews.vn/


Tin khác