Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu 

Vấn đề sử dụng kháng sinh, hóa chất trong ngành thủy sản hiện nay đang trong tình trạng báo động...", đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tại hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu”, vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức tại T.P Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, Cục Thú y đưa ra báo cáo cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về, trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về. Cá biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho biết, các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng. Tại cơ sở nuôi hiện chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng. 

Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua, phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục nhưng trên thực tế, kết quả vẫn còn rất hạn chế. Rõ ràng, nếu không quản lý vùng nuôi, nguồn tôm nhiễm bệnh không thể xuất khẩu được thì sẽ được tiêu thụ ở thị trường trong nước và nhiều khả năng gây bệnh cho người tiêu dùng. 

Đưa ra giải pháp cho tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ vừa phát động đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chất lượng đối với thực phẩm xuất khẩu. Lãnh đạo Bộ đã họp phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiến hành xử lý nghiêm một số đường dây buôn lậu vật tư nông nghiệp, kháng sinh cấm ở các địa phương.

"Tới đây Bộ nghiên cứu sẽ treo giải thưởng cho tổ chức, cá nhân góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý tình trạng kinh doanh, phân phối kháng sinh cấm, đồng thời sẽ công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về về vấn đề này.", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết thêm. 

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng và khuyến khích người dân tham gia vào việc tố giác, cung cấp thông tin liên quan đến đường dây buôn lậu chất cấm, kháng sinh. NAFIQAD, Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản cần gấp rút đề ra mục tiêu, phân công trách nhiệm cụ thể của các đơn vị từ Trung ương đến cấp trưởng thôn trong việc chống kháng sinh cấm từ nay cho đến cuối năm; trong đó, tập trung trước hết vào ngành hàng tôm nước lợ, đồng thời, lập danh mục những doanh nghiệp bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài để phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với đơn vị vi phạm nhiều lần.


Tin khác