Thích ứng với quy định mới xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc 

Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới. Để làm rõ và cung cấp thêm thông tin về những quy định mới của phía Trung Quốc áp dụng đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, sáng nay (6/11) tại Hà Nội, Tổ Điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc”.

(Doanh nghiệp cần tuân thủ quy định mới nếu muốn xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022)

 

Trước những quy định mới về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận về các yêu cầu của thị trường như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, thủ tục pháp lý… để thích ứng. Đặc biệt, Trung Quốc có quy định rõ loại trái cây nào nhập khẩu theo cửa khẩu nào chứ không phải hàng hóa cứ lên cửa khẩu là được thông quan. 

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hai Lệnh số 248 và 249 của Trung Quốc nhấn mạnh việc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký khi sản xuất và xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại này, doanh nghiệp sẽ tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới.

Ông Lê Thanh Hòa Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam

 

 

"Việc thanh kiểm tra đối với các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm ở Trung Quốc bây giờ tương đương với các nước phát triển không còn đơn giản như trước kia. Theo đó sẽ không chỉ căn cứ vào bao bì mẫu mã mà còn đòi hỏi nội dung hồ sơ và cách làm trên thực tế như thế nào để phê duyệt hay loại ra khỏi danh sách những doanh nghiệp không đủ điều kiện và đáp ứng yêu cầu. Đây là nội dung phải lưu ý trong thời gian tới", ông Lê Thanh Hòa nêu rõ.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin thêm, địa phương cần chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, các doanh nghiệp chế biến, đóng gói xuất khẩu để chuẩn bị cho kiểm tra đánh giá trong việc mở cửa thị trường hoặc thanh tra của đối tác. Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường việc thanh tra và giám sát đối với các doanh nghiệp vi phạm cảnh báo.

Về hỗ trợ địa phương xây dựng mã vùng trồng, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết: "Tiếp tục triển khai chương trình xây dựng cơ sở đóng gói, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu. Khâu này cũng là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi hiện nay đang phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương. Tôi làm việc với các nước nhập khẩu để thực hiện các báo cáo khắc phục vi phạm phục hồi mã số tạm dừng do nhận thông báo vi phạm rồi xác định rõ các yêu cầu để mở rộng vùng trồng tăng số lượng cơ sở đồng bộ. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, bởi vì chúng ta phải hiểu họ yêu cầu gì bằng cách chúng ta khắc phục ra sao để tiếp tục mở cửa và giải quyết những tồn tại đang gặp phải. Và đặc biệt là sẽ phải hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam để thiết lập và quản lý vùng trồng và trồng để chúng ta đàm phán một cách dễ dàng với các nước, cũng như để cho các cơ sở đóng gói tuân thủ và thống nhất thực hiện".

Nhấn mạnh về tiềm năng của thị trường Trung Quốc đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đại diện các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cho rằng, sử dụng các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường ngày càng là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần phải chú trọng, ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam chia sẻ: "Về phía doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức được sản xuất, chế biến để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nói chung và các tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc nói riêng. Doanh nghiệp phải chuẩn bị tinh thần coi thị trường Trung Quốc như là những thị trường khó tính nhất. Ví dụ như thị trường châu Âu, Mỹ để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất vừa là các quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin hoặc là để đáp ứng các tiêu chuẩn theo các quy định của từng thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc".

Còn bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoa Việt xác định: ''Chúng ta cần phải có chiến lược cụ thể cho thị trường Trung Quốc và có những quyết sách cụ thể các bước đi, các chương trình làm thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Xây dựng thương hiệu thì bắt đầu bằng việc quản lý chất lượng của nông sản và phải bắt đầu từ lúc canh tác lúc trồng đến thu hoạch chế biến và đóng gói"./.

 

Nguồn: https://vov.vn/


Tin khác