Úc nới lỏng lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín 

Ngày 07/01/2017, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc đã ra thông báo về việc thực thi khẩn cấp lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín đối với các nước Châu Á do lo ngại bùng phát bệnh dịch đốm trắng tại Úc. Lệnh tạm ngừng trên có hiệu lực từ ngày 09/01/2017 và kéo dài trong vòng 6 tháng.

Sau khi nhận được thông tin, Bộ Công Thương đã kịp thời có thông báo tới các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm vào Úc về việc Úc tạm dừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm và thịt tôm chưa nấu chín thông qua việc đăng tải các bài viết về lệnh cấm của Úc trên các phương tiện thông tin báo chí. Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đã có buổi làm việc với Hiệp hội Nhập khẩu thủy sản Úc và Thương vụ Thái Lan tại Sydney để cùng phối hợp gửi thư tới Chính phủ Úc phản đối lệnh cấm này.

Ngày 09/02/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có công thư chính thức gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc bày tỏ quan ngại trước sự ảnh hưởng của lệnh tạm ngừng nhập khẩu này đối với tình hình nuôi trồng, sản xuất tôm của nhân dân Việt Nam và đề nghị phía Chính phủ Úc cân nhắc sớm bãi bỏ lệnh cấm nói trên.

Kể từ khi Úc tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng tôm chưa nấu chín, tại các cuộc tiếp xúc song phương với phía Úc, Lãnh đạo Bộ Công Thương liên tục đề cập đến vụ việc và đề nghị Chính phủ Úc xem xét, dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu hoặc áp dụng biện pháp khác ít gây ảnh hưởng tiêu cực hơn.

Trước những phản ứng mạnh mẽ của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Việt Nam, truyền thông của Úc cũng đã thể hiện sự quan tâm tới vụ việc. Phóng viên Đài truyền hình ABC của Úc, ông Marty McCarthy đã trực tiếp đặt các câu hỏi liên quan tới quan điểm và động thái của Việt Nam sau khi Úc áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm chưa nấu chín từ Việt Nam.

Ngày 07/3/2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có bài trả lời Phóng viên Đài ABC liên quan tới lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm nói trên. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Úc chưa phải là quá lớn nhưng với nông dân Việt Nam, những người có thu nhập rất thấp, Lệnh cấm đã có tác động không nhỏ tới thu nhập của họ, nhất là các hộ ở những vùng chuyên sản xuất tôm để xuất khẩu đi Úc. Về lâu dài, Lệnh cấm này còn có khả năng ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam trên các thị trường khác, từ đó gây thiệt hại lớn hơn nhiều cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng khẳng định: “Theo quy định của WTO, các thành viên WTO phải đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp SPS nào cũng chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết dựa trên các nguyên tắc, căn cứ khoa học và không được duy trì khi thiếu căn cứ khoa học xác đáng. Trong khi đó, tôm Việt Nam đang được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và không bị dừng nhập khẩu”.

(Nội dung bài phỏng vấn có thể tham khảo tại các đường dẫn sau:
http://www.abc.net.au/news/2017-03-10/vietnam-frustrated-australia-prawn-import-ban/8344002
http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/9463/thu-truong-tran-quoc-khanh-tra-loi-phong-vien-dai-abc-(uc)-ve-thuong-mai-hai-nuoc.aspx.)

Ngày 08/3/2017, Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc và ngày 30/4/2017, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch, Đầu tư Úc đã có thư trả lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam. Trong đó, phía Úc thông báo lệnh tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng tôm chưa nấu chín sẽ không “kéo dài hơn mức cần thiết” và hoạt động thương mại an toàn sản phẩm tôm sẽ được tái thiết lập sau khi Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc hoàn thành việc rà soát các điều kiện nhập khẩu đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng của lệnh tạm ngừng nhập khẩu.

Ngày 16/5/2017, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc đã có thông báo số 53-2017 về việc đưa sản phẩm tôm và thịt tôm chưa nấu chín được tẩm ướp với mục đích làm thực phẩm ra khỏi danh sách tạm ngừng nhập khẩu.

Ngày 31/5/2017, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc đã có thông báo số 55-2017 về các biện pháp quản lý rủi ro nhập khẩu đối với mặt hàng tôm chưa nấu chín tẩm ướp. Theo đó, nhà xuất khẩu muốn xuất khẩu mặt hàng tôm tẩm ướp dùng làm thực phẩm sang Úc phải đáp ứng được các biện pháp quản lý rủi ro nhập khẩu như sau:

* Yêu cầu đối với mặt hàng tôm

- Trước khi xuất khẩu, tôm phải được chứng nhận sạch bệnh đốm trắng và đầu vàng dựa trên các biện pháp kiểm tra được Tổ chức Thú y thế giới công nhận;
- Các lô hàng khi tới Úc phải được kiểm tra niêm phong còn nguyên và kiểm tra bệnh đốm trắng và đầu vàng tại Phòng kiểm nghiệm Agrigen, Advanced Analytical Australia hoặc Elizabeth MacArthur Agricultural Institute công nhận; và phải đi kèm giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan chức năng của nước xuất khẩu cung cấp;
- Tôm phải được chế biến sâu như: (i) bỏ đầu, bỏ vỏ, đáp ứng một trong những điều kiện kỹ thuật về tỷ lệ gia vị nước, gia vị khô hoặc quy định tẩm ướp và đóng gói bán lẻ hoặc (ii) ít nhất bỏ đầu, xẻ bướm và đáp ứng các điều kiện đối với gia vị tẩm ướt và gia vị tẩm khô.

* Yêu cầu đối với việc cấp phép nhập khẩu cho doanh nghiệp
- Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hiện đã có giấy phép nhập khẩu các sản phẩm tôm tẩm ướp, các giấy phép này sẽ vẫn bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới. Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc sẽ bổ sung các điều kiện nhập khẩu mới trong các giấy phép nhập khẩu này. Những điều kiện này có thể khác nhau đối với từng quốc gia xuất khẩu. Việc bổ sung này chỉ được thực hiện sau khi các cơ quan chức năng của nước xuất khẩu đảm bảo có thể đáp ứng các điều kiện mới.
- Đối với các doanh nghiệp xin giấy phép nhập khẩu mới cho sản phẩm tôm tẩm ướp, Bộ Nông nghiệp Úc và Tài nguyên nước Úc sẽ chỉ chấp nhận đơn xin phép nhập khẩu sau khi các cơ quan chức năng của nước xuất khẩu xác nhận có thể đáp ứng các điều kiện nhập khẩu.
Thông tin chi tiết về thông báo số 55-2017 có thể tham khảo tại đường dẫn sau: http://www.agriculture.gov.au/import/industry-advice/2017/55-2017)

iệc Úc điều chỉnh điều kiện nhập khẩu tôm chưa nấu chín và đưa mặt hàng tôm tẩm ướp ra khỏi danh sách tạm ngừng nhập khẩu là động thái tích cực của phía Úc trước phản ứng của các cơ quan chức năng Việt Nam. Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa đủ để giải tỏa các quan ngại của phía Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, để tái thiết lập hoạt động thương mại an toàn đối với sản phẩm tôm cần có vai trò tích cực hơn của các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với phía Úc nhằm tái thiết lập hoạt động thương mại an toàn đối với mặt hàng tôm chưa nấu chín.


6ADD27A0523F485685143B7919BF191D.jpg

Tin khác