Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng khu vực Asean – Trung Quốc về hợp tác trong Lĩnh vực An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động, thực vật (SPS) lần thứ 7 

Ngày 13/9, Hội nghị Cấp Bộ trưởng Cộng đồng ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trong Lĩnh vực Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm lần thứ 7 đã được tổ chức trực tuyến. Hội nghị nằm trong khuôn khổ hoạt động của Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 18, do Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức, với sự đồng chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Vương Lệnh Quân, và Ông Sakun, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia và đại diện chính quyền tỉnh Quảng Tây, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây Phương Xuân Minh, cùng các Bộ trưởng phụ trách về Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm của mười nước ASEAN, và Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký ASEAN. Về phía Việt Nam, tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam TS.Lê Thanh Hòa cùng Lãnh đạo các cục chuyên ngành Bảo vệ thực vật, Thú y, Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản …

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Vương Lệnh Quân nhận định, Trung Quốc và ASEAN tiếp giáp về địa lý, lịch sử và văn hóa hòa quyện, tài nguyên ưu đãi, cơ cấu kinh tế thương mại có tính bổ sung cao, hợp tác kinh tế thương mại có những lợi thế riêng. Kể từ khi thiết lập mối quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN năm 1991, quan hệ hợp tác ngày càng trở nên mật thiết, sự phát triển của kinh tế và thương mại song phương đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, quy mô thương mại khu vực phát triển nhanh chóng, từ 1991-2020 sau 30 năm phát triển, kim ngạch thương mại tăng từ 836 triệu USD lên đến 68,525 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,5%, vượt qua tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu bình quân hàng năm của Trung Quốc. Riêng lĩnh vực nông sản, tính đến nay, gần 1.500 sản phẩm nông sản và thực phẩm của 10 nước ASEAN được xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc, những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản từ ASEAN vào Trung Quốc tăng trưởng liên tiếp hàng năm, năm 2020 tăng trưởng 10,3% so với năm 2019, 8 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 41,7% so với cùng kỳ. Năm 2020, đối mặt với tác động nặng nề của đại dịch viêm phổi (Covid-19), Trung Quốc và các nước ASEAN đã hợp tác sâu rộng trong phòng, chống dịch và duy trì hiệu quả sự ổn định chuỗi sản xuấ,t cung ứng khu vực và đảm bảo sự phát triển thương mại song phương, ASEAN tiếp tục giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Hội nghị đã điểm lại lịch sử phát triển hợp tác của lĩnh vực Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm  Trung Quốc – ASEAN, xác định rõ nhiệm vụ và yêu cầu của cuộc họp cấp cao Trung Quốc - ASEAN gần đây về tăng cường hợp tác Kiểm dịch động, thực vật và An toàn thực phẩm, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục củng cố cơ chế hợp tác đa dạng hóa và sâu sắc hơn nữa giữa Trung Quốc – ASEAN, đạt được nhận thức chung trong các thỏa thuận về cơ chế hợp tác lĩnh vực kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, thúc đẩy sự phát triển an toàn và thuận lợi hóa trong thương mại nông sản và thực phẩm giữa hai bên, đồng thời ký MOU Trung Quốc-ASEAN mới hợp tác về an toàn thưc phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

 

Phó Tổng Cục trưởng Vương Lệnh Quân nhấn mạnh, việc hợp tác Trung Quốc - ASEAN trong lĩnh vực Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm là một lĩnh vực quan trọng của hợp tác kinh tế và thương mại song phương, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đặc biệt là thương mại nông sản. Với nỗ lực chung của hai bên, hợp tác Trung Quốc - ASEAN về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cấp độ hợp tác ngày càng nâng cao, cơ chế hợp tác ngày càng hoàn thiện, phương thức hợp tác ngày càng đa dạng hóa, thành quả hợp tác ngày càng phong phú. Có được những thành tựu này là do cả hai bên luôn tuân thủ mục tiêu hợp tác “Chung tay xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - ASEAN mật thiết hơn vì tương lai chung”, luôn kiên trì nguyên tắc cùng hợp tác ứng phó với những thách thức chung trên tinh thần tuân thủ mục tiêu ban đầu là hướng tới con người, hợp tác cùng có lợi.

Hội nghị đã nghe báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về cuộc họp của nhóm kỹ thuật SPS vào tháng 7/2021 giữa các đầu mối thực hiện SPS của các nước nhằm xác định vai trò quan trọng của các hoạt động, thông qua dự thảo kết quả hợp tác giai đoạn 2019-2021 và dự thảo chương trình trong giai đoạn 2022-2023, đồng thời đánh giá lại các nội dung của bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa hai bên để báo cáo các Bộ trưởng chỉ đạo về SPS trong tương lai. Tại hội nghị này Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng giới thiệu và thông báo chính thức hoạt động của Website: http://www.chinaaseansps.com sau khi thực hiện nâng cấp để tăng cường minh bạch hóa về các biện pháp SPS trong khu vực hợp tác.

Tham dự hội nghị, Bộ trưởng các nước khẳng định cao vai trò của hợp tác Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm  Trung Quốc - ASEAN trong việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương, duy trì ổn định và an toàn của chuỗi sản xuất công nghiệp và cung ứng quốc tế, tin tưởng vào triển vọng rộng lớn của nông sản và thực phẩm chất lượng cao từ các nước ASEAN vào thị trường Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ coi kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN là cơ hội nắm bắt phát triển, tiếp tục hợp tác sâu sắc, tận dụng tốt cơ chế hợp tác ba cấp đã được thiết lập về Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm ,  phát huy vai trò truyền thông và điều phối của Mạng thông tin hợp tác về Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm  Trung Quốc- ASEAN.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thư ký Ban Thư ký ASEAN cho biết tháng 7/2020 hai bên đã ký hiệp định tăng cường hợp tác trong các biện pháp phi kỹ thuật, vừa qua đã tổ chức diễn đàn tham vấn xây dựng nội dung hợp tác SPS trong giai đoạn mới 2022-2023 và nhấn mạnh việc thông qua kế hoạch hành động nhằm mục tiêu nâng tầm hợp tác ASEAN – Trung Quốc lên mức chiến lược toàn diện.

 

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường hợp tác lĩnh vực SPS giữa cộng đồng ASEAN và Trung Quốc nhằm phối hợp thúc đẩy hệ thống cảnh báo nhanh giữa Trung Quốc và ASEAN để trao đổi thông tin, thông báo kịp thời các vấn đề phát sinh đối với các lô hàng xuất khẩu, giải quyết ngay các vướng mắc trong quá trình trao đổi thương mại, đánh giá cao việc Trung Quốc hoàn thiện website về hợp tác SPS để các nước ASEAN thuận lợi tra cứu và minh bạch hóa thông tin. Trong bối cảnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Trung Quốc xem xét áp dụng linh hoạt hình thức kiểm tra trực tuyến hoặc qua video để mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Tổng kết, Hội nghị tuyên bố thông qua "Thông cáo báo chí chung của Hội nghị Bộ trưởng Trung Quốc-ASEAN lần thứ bảy về hợp tác Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm "; "Kế hoạch hành động thường niên về Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm  Trung Quốc-ASEAN 2022-2023"; công bố chính thức ra mắt Mạng thông tin hợp tác về Kiểm dịch Động, Thực vật và An toàn Thực phẩm  Trung Quốc - ASEAN sau nâng cấp (website http://www.chinaaseansps.com,) website này sẽ do Tổng cục Hải Quan Trung Quốc điều phối với các đầu mối thực thi SPS của ASEAN để cùng duy trì hoạt động. 


96510E1BC891414C80BD546390D9F4E3.docx

Tin khác