Từ ngày 21/7 - 20/8/2024, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổng hợp được 97 thông báo của các nước thành viên WTO, trong đó bao gồm 75 dự thảo và 22 văn bản qui phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (danh sách thông báo nội dung kèm theo).
Một số thông tin lưu ý như sau:
- Thị trường Hoa Kỳ: (1) Dự thảo thiết lập các tiêu chuẩn mức độ nhiễm các chủng Salmonella trên thịt gà và các sản phẩm của thịt gà; (2) Thiết lập giới hạn dư lượng đối với hoạt chất Indoxacarb trong một số loại thực phẩm; (3) Đề xuất cho phép chất tạo màu vàng từ xương rồng lê gai để tạo màu cho thực phẩm; (4) Đề xuất thu hồi miễn trừ dung sai đối với polytetrafluoroethylene; (5) Đề xuất thay thế các tập dữ liệu có tên Import Refusals (Từ chối nhập khẩu) và Import Volume (Khối lượng nhập khẩu) hiện tại trên trang web Import and Export Data.
- Thị trường EU: (1) Đề xuất thu hồi giấy phép thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất metribuzin; (2) Thay đổi mức dư lượng nhóm thuốc trừ nấm dithiocarbamate (maneb, mancozeb, metiram, propineb, thiram và ziram) trong một số hàng hóa nông sản và thực phẩm; (3) Sửa đổi 03 mẫu giấy chứng nhận (mẫu 'EU-FISH', mẫu 'FISH-MOLCAP' và mẫu 'MOL-HC') của Phụ lục III Quy định (EU) 2020/2235.
- Thị trường Đài Loan Trung Quốc: (1) Sửa đổi mức dư lượng tối đa (MRLs) của các loại thuốc BVTV Acequinocyl, Afidopyropen, Buprofezin, Clothianidin, Fenpyroximate, Fipronil, Fluazifop-P-butyl, Fludioxonil, Fluxametamide, Inpyrfluxam, Ipflufenoquin, Isopyrazam, Mandipropamid, Mefentrifluconazole, Oxathiapiprolin, Picoxystrobin, Pydiflumetofen, Pyriproxyfen, Spinetoram, Spiropidion và Spirotetramate, thu hồi mức dư lượng của thuốc BVTV Dichlofluanid và bổ sung Dicofol và Chlorpyrifos vào danh sách các loại thuốc BVTV bị cấm sử dụng; (2) Thông báo ngày có hiệu lực về “Quy định kiểm dịch đối với nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật”.
- Thị trường Canada: (1) Thông qua giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của Picarbutrazox; (2) Cấp phép sử dụng phụ gia thực phẩm natamycin và nisin trong một số loại thực phẩm; (3) Bổ sung chiết xuất trà xanh (EGCG/catechin), chitosan từ nấm mỡ trắng vào danh sách các chất bảo quản được phép sử dụng.
- Thị trường Bra-xin: (1) Dự thảo nghị quyết cập nhật hoạt chất vào danh sách chuyên khảo về các thành phần hoạt chất cho thuốc trừ sâu, sản phẩm tẩy rửa gia dụng và chất bảo quản gỗ; (2) Thiết lập quy định nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thành phần thức ăn chăn nuôi hoặc bột có nguồn gốc động vật vào Bra-xin; (3) Dự thảo Chương trình quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát bệnh vàng lá gân xanh (HLB).
- Thị trường Úc: (1) Dự thảo bổ sung nội dung đối với Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của Úc; (2) Đự thảo đánh giá rủi ro an toàn sinh học đối với nhập khẩu ốc sên vườn (Cornu aspersum) để nuôi; (3) Hệ thống hồ sơ xuất khẩu hiện tại (EXDOC) đối với cá và các sản phẩm từ cá của Úc sẽ được thay thế bởi hệ thống hồ sơ xuất khẩu thế hệ mới NEXDOC; (4) Đề xuất P1055 về sửa đổi các định nghĩa về "thực phẩm được sản xuất bằng công nghệ gen" và "công nghệ gen".
- Thị trường Thái Lan: (1) Thông báo ngày có hiệu lực về "Thực phẩm tồn dư dư lượng thuốc trừ sâu (số 4)"; (2) Thông báo ngày có hiệu lực về "Ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn".
- Thị trường Indonesia: Đề xuất mức dư lượng tối đa (MRL) chất gây ô nhiễm (kim loại nặng, vi sinh vật và độc tố nấm mốc) trong thực phẩm.
- Thị trường Singapore: Thông báo ngày có hiệu lực về “quy định về việc sử dụng cây trồng đã chỉnh sửa bộ gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi”
Thông tin góp ý đối với các thông báo dự thảo của Thành viên WTO (nếu có) gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Văn phòng SPS Việt Nam) trước (05 ngày) thời hạn nhận góp ý của thông báo, địa chỉ: số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024 37344764; email: spsvietnam@mard.gov.vn.